Cuộc gặp tình cờ giữa vị khách phương xa và bà cụ lái đò
Mùa hè năm 2011 tại Hội An, Réhahn Croquevielle, nhiếp ảnh gia người Pháp, gặp bà Bùi Thị Xong, một phụ nữ 74 tuổi ở Hội An. Hình ảnh của bà Xong sau đó xuất hiện trên trang bìa cuốn sách thành công đầu tiên của Réhahn có tên "Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản" (Vietnam, Mosaic of contrasts) và là khởi nguồn của dự án nổi tiếng "Nụ cười ẩn dấu" (Hidden Smile).
Vào thời điểm đó, Réhahn là một du khách có niềm đam mê với Việt Nam. Anh gặp cụ bà đáng mến này khi đang đi dọc bờ sông. Theo bản năng, nhiếp ảnh gia bị cuốn hút và rồi ngồi lên chiếc thuyền của cụ bà ấy.
"Khi đó bà mới 73 tuổi", Réhahn kể lại. "Tôi thấy rất nhiều người phụ nữ cả già lẫn trẻ trên phố Bạch Đằng (Hội An) đang mời du khách lên thuyền. Và lúc đó, tôi đã vô tình nhìn thấy một người phụ nữ với gương mặt bừng sáng đặc biệt với đôi mắt rất đẹp và dễ mến".
Bà Xong được Réhahn gọi một cách trìu mến là bà lái thuyền. Công việc hàng ngày của bà là chở khách du lịch trên sông Thu Bồn. Bà Xong rất nhiệt tình và thân thiện nên anh đã xin chụp một tấm chân dung của bà.
Người phụ nữ có vẻ ngại ngùng, bà khá gượng ép khi chụp hình. Thế nhưng sau khi nhìn thấy bức ảnh của chính mình, bà bắt đầu cười khúc khích, lấy một tay che miệng. Chính hành động này đã truyền cảm hứng cho Réhahn lấy máy chụp một tấm ảnh khác. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc bà che miệng bằng một tay và tay kia che trán.
Cả Réhahn và bà Xong đều không ngờ nó trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất ở Việt Nam và cả trên thế giới.
Réhahn đặt tên bức ảnh huyền thoại là "Nụ cười ẩn giấu'
"Khi cười, bà lấy tay che miệng vì thấy xấu hổ với chiếc răng cửa," Réhahn nói. "Khi ấy tôi thấy bà giống như một đứa trẻ".
Hóa ra việc che miệng khi cười lại là một hành động phổ biến của những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Ở Việt Nam, những người lớn tuổi thường che miệng khi họ nói, cười khúc khích hay khi họ cười thoải mái. Ngay cả khi xấu hổ, họ cũng dùng tay che miệng. Nụ cười ẩn giấu tạo điều kiện để người xem có thể quan sát kỹ hơn vào đôi mắt, bàn tay và khuôn mặt người phụ nữ. Nhìn vào đó, bạn có thể tưởng tượng nhiều điều về cuộc sống của những người phụ nữ như bà Xong.
Khi được hỏi về giá trị lớn nhất của bức ảnh, Réhahn bộc bạch:
"Bức ảnh này đại diện cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam. Bà ấy có thể là một người mẹ hay người phụ nữ Việt điển hình. Bà Xong khi đó 73 tuổi vẫn ngày ngày hết mình làm việc kiếm sống, nhưng bà vẫn luôn giữ nụ cười trên môi.
Tôi coi bà Xong như người bà ruột của mình, và việc trao tặng tấm hình này cho viện bảo tàng (Phụ nữ Việt Nam) là một hành động để tôn vinh những người phụ nữ trên toàn thế giới này, cũng như để kỷ niệm tình bạn đặc biệt của hai chúng tôi".
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thành lập từ những người con Hội An, mong muốn góp thêm một góc nhìn Hội An cho du khách mọi miền đất nước.Trang tin tức Hội An dành cho du khách và những người yêu quý Hội An, mảnh đất tụ nhân, tụ thủy. Trang tin tổng hợp hầu như toàn bộ các tin tức của Hội An từ các nguồn báo chí chính...